Trang chủVăn hóaHội thảo “Mỳ Quảng - Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”

    Hội thảo “Mỳ Quảng – Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”

    Sáng nay 2.11, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Nam tổ chức hội thảo “Mỳ Quảng – Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc xứ Quảng”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các nghệ nhân mỳ Quảng và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo.

    Hội thảo thu hút hơn 20 tham luận từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử hình thành món ăn và tên gọi mỳ Quảng; những nét đặc trưng về mỳ Quảng; cách thưởng thức mỳ Quảng; đề xuất những giải pháp, bảo tồn món ăn Mỳ Quảng để tổng hợp cơ cở xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh mỳ Quảng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần xây dựng hoàn thiện văn hóa ẩm thực đặc trưng trong hành trình khám phá Quảng Nam đối với du khách thập phương.

    Nét đặc sắc trong món ăn mỳ Quảng không chỉ là việc ăn uống mà là văn hóa, lịch sử, lễ nghi… thể hiện qua sự đa dạng và phong phú ở sản vật, là kinh nghiệm trải qua hàng trăm năm để tạo nên một hương vị đặc trưng trong cách chế biến riêng có của người Quảng và tồn tại như một phần không thể tách rời lịch sử mỗi làng quê, thôn xóm của vùng đất Quảng Nam.

    Có thể nói sự ra đời, tồn tại và phát triển của món ăn mỳ Quảng là một phần không thể tách rời các nghề và làng nghề truyền thống ở Quảng Nam như nghề trồng lúa, làng nghề làm bánh tráng, nghề trồng rau … là món ăn bình dân, phổ biến ở các làng quê xứ Quảng, có mặt ở tất cả mọi gia đình ở trong các dịp đám – chạp, lễ, Tết, tiệc tùng…

    Mì Quảng – đặc sản hấp dẫn đất Quảng Nam. (Ảnh minh hoạ: Internet)

    Hội thảo “Mỳ Quảng – Nét văn hoá ẩm thực đặc sắc xứ Quảng” lần này nhằm khẳng định những nét độc đáo của món ăn mỳ Quảng, góp phần lưu giữ, phát huy những tri thức dân gian trong nghệ thuật chế biến, thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của người Quảng Nam.

    Đặc biệt, qua hội thảo lần này, với sự phân tích, đánh giá, nhận diện chân xác của các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa – lịch sử, ngành văn hóa sẽ hội đủ cơ sở để bảo tồn và phát huy món ăn mỳ Quảng, nhằm nâng cao vị thế của ẩm thực, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.

    Dương Oanh – Trần Chiến

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU