Trang chủKinh tếCông nghiệp - Xây dựngXây dựng cộng đồng ASEAN trong cách mạng công nghiệp 4.0

    Xây dựng cộng đồng ASEAN trong cách mạng công nghiệp 4.0

     

    Sáng 12.9, tại Hà Nội, hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ASEAN 2018 chính thức khai mạc phiên toàn thể với chủ đề: “Những ưu tiên của ASEAN trong cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)”.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP
    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP

    Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Cuộc cách mạng này bao gồm internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, máy in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới… Trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, phiên bản Việt ra mắt nhân hội nghị WEF ASEAN 2018, giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF mô tả cách mạng công nghệ thay đổi cuộc sống, phương thức làm việc và tương tác. Giáo sư Klaus Schwab, người khai sinh ra khái niệm CMCN 4.0 nói, kỷ nguyên 4.0 cần lấy con người làm trung tâm, không phải để con người làm nô lệ cho rô bốt.

    Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực, năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Phát biểu mở đầu phiên khai mạc, Chủ tịch WEF nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về CMCN 4.0. Ông Klaus Schwab cho rằng CMCN 4.0 sẽ xóa bỏ một số công việc nhưng tạo cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa chính phủ và doanh nghiệp. “Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này” – ông Klaus Schwab nói.

    Tại phiên khai mạc hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cuộc CMCN 4.0, ASEAN được biết đến như một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới. Những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn. Tuy nhiên thách thức về gia tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới 4 sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển CMCN 4.0 và giảm những thách thức từ cuộc cách mạng này. Theo Thủ tướng, thứ nhất là cần kết nối số, chia sẻ dữ liệu cùng với chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Thứ hai, cần xây dựng cơ chế hài hòa môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối. Thứ ba, ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo và xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm. Cuối cùng, ASEAN cần hình thành mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời.

    Bám sát chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và CMCN 4.0”, diễn ra từ ngày 11 đến 13.9 tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo cùng sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực sẽ được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững. Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ là cơ hội rất tốt để các bên có thể gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuẩn bị tốt nhất để bước vào cuộc CMCN 4.0 một cách hiệu quả. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU