Trang chủE-Magazine - Từ những ký họa chiến trường nghĩ về một lớp...

    [eMagazine] – Từ những ký họa chiến trường nghĩ về một lớp họa sĩ


    Với hơn 300 bức ký họa của 14 họa sĩ, tập sách ảnh “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 – 1975” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản là bức tranh phong phú sống động về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân Quảng Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cho đến ngày toàn thắng.

    Chủ đề được nhiều họa sĩ tập trung sáng tác là hoạt động tác chiến của các lực lượng bộ đội, du kích, vận chuyển vũ khí trên đường Trường Sơn; đời sống của đồng bào miền núi, sinh hoạt đời thường của nhân dân vùng trụ bám, của cán bộ, du kích…Qua những bức ký họa ấy, ta có thể thấy không khí của một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc.

    Thế hệ nghệ sĩ – chiến sĩ ấy từ mái trường mỹ thuật Hà Nội kẻ trước người sau đã hội tụ trên mảnh đất khu 5 ác liệt, đã hòa nhịp thở với cuộc sống chiến đấu của quân dân Quảng Nam.

    Vào chiến trường Quảng Nam sớm nhất là họa sĩ Lý Châu Hoàn, quê ở huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang. Đang học năm thứ 3 hệ cao đẳng của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội ông được lệnh điều động về Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện, Lý Châu Hoàn vượt Trường Sơn vào đến Quảng Nam tháng 3.1964 và được phân về Ban Tuyên giáo khu ủy 5, làm họa sĩ cho báo Cờ giải phóng. Ông đã trải qua những trận càn của địch vào mật khu Đỗ Xá, đã vượt qua những con suối lũ trong dịp lụt năm Thìn 1964. Trong tập sách, ông chỉ góp mặt tác phẩm Dũng sĩ đánh tăng, vẽ tại địa bàn huyện Tam Kỳ. Bức tranh được vẽ bằng bút sắt với những nét vẽ khá giản lượt nhưng vẫn đủ sức tạo nên hình ảnh người chiến sĩ Quân giải phóng lẫm liệt.

    Đến năm 1967 – 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn quyết liệt, một loạt các họa sĩ như Giang Nguyên Thái, Phạm Hồng, Nguyễn Đức Hạnh, Hồng Chinh Hiền, Trần Việt Sơn, Hà Xuân Phong, Tạ Quang Bạo, Triệu Khắc Lễ, Nguyễn Thế Vinh…được bổ sung cho chiến trường khu 5, chủ yếu trụ bám ở Quảng Nam. Tình hình chiến trường sau Tết Mậu Thân 1968 rất căng thẳng, Mỹ tăng cường đánh phá khiến ta lâm vào thế khó khăn trầm trọng.

    Họa sĩ Giang Nguyên Thái kể: “Hồi đó cả khu 5 đói to. Gạo miền Bắc không vào được vì đường dây 559 bị địch đánh phá rất ác liệt. Tiểu ban Văn nghệ toàn là những người “làm văn, làm nghệ” nên đói nhất. Chúng tôi phải ăn củ móng ngựa, ruột cây dớn, các loại rau tàu bay, môn thục, môn dóc, lá tai voi, măng rừng…lâu lâu mới được vài lon gạo “bọc thép”, một loại gạo được lưu trữ rất lâu ở kho và vài củ sắn mà các cô cấp dưỡng mót được ở rẫy của đồng bào dân tộc”.

    Họ cũng thường xuyên bị sốt rét hành hạ và họa sĩ Nguyễn Xuân An đã mất vì căn bệnh quái ác này. Nói chung hiểm nguy, chết chóc luôn rình rập khắp nơi và thử thách ý chí của con người. Người họa sĩ với giá vẽ, màu, giấy vẽ nhưng cũng là những chiến sĩ thực thụ vì họ thường bám theo các đơn vị bộ đội tác chiến, du kích các địa phương để xâm nhập cuộc sống, tìm chất liệu sáng tác. Đó là những chuyến thực tế sáng tác hấp dẫn nhưng cũng luôn đối mặt với nguy hiểm. Muốn sống sót, họ phải học cách nấu cơm không khói, cách ẩn náu trong những làng mạc, ruộng đồng bị quân thù đánh phá thành bình địa. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên kể: “Một lần theo đoàn cán bộ xuống đồng bằng Quảng Ngãi, vì lạ lẫm nên tôi đi chệch lối, giẫm phải chông. Chân sưng tấy tôi rớt lại sau phải đi cà nhắc một mình. Không ngờ đến cánh đồng hoang đụng phải máy bay OV10, chắc chúng thấy tôi đeo ba lô, đội mũ tai bèo nên đuổi theo vãi đạn. Quên cả đau, tôi cắm đầu chạy nó vẫn đuổi theo bắn. May mà gần đấy có đường hào nên tôi luồn qua lao vào làng”. Họa sĩ Giang Nguyên Thái một hôm đang vẽ chân dung bà mẹ trụ bám ở Gò Nổi thì bị xe lội nước M113 vây cả ba mặt. Chúng bắn như vãi cát, chạy đến bờ sông Thu Bồn thì đạn đã bắn rát sau lưng. Hai du kích dẫn đường và bảo vệ giục ông nhảy đại xuống sông từ bờ dốc dựng đứng. Họ bơi thục mạng qua sông, Giang Nguyên Thái may nhờ túi vẽ được may rất bảo đảm nên tranh không ướt.

    Đối mặt với nhiều khó khăn hiểm nguy nhưng các họa sĩ chiến trường còn chịu nhiều khó khăn về điều kiện sáng tác, cụ thể là giấy, màu, bút vẽ thường thiếu thốn. Vì vậy họa sĩ trước khi vẽ phải suy ngẫm đề tài thật chín, hình dung kỹ các khối, mảng màu rồi mới đặt bút lên trang giấy, bởi giấy vẽ ở chiến khu rất khó kiếm, không thể phóng tay được. Có họa sĩ khi về vùng giáp ranh ở tỉnh Bình Định, được các chị mang giấy vẽ từ vùng địch lên đã thốt lên vô cùng sung sướng: “Phóng bút thật đã tay”.

    Không chỉ hoạt động ở vùng miền núi, một số họa sĩ đã xuống tận những vùng ven đô, như họa sĩ Phạm Hồng đã có những ngày bám trụ cùng quân dân Bắc Tam Kỳ. Ông đã kịp khắc họa lại được những cảnh bộ đội, du kích đánh tăng tại Kỳ Mỹ, Kỳ Thịnh – nay là các xã Tam Phước, Tam Đàn – ngay sát nách tỉnh đường Quảng Tín, cảnh các chị phụ nữ dặm lúa ngay cạnh xác xe tăng, thiết giáp của Mỹ vừa bị ta phá hủy, du kích cảnh giới cho nhân dân sản xuất, chân dung rắn rỏi của những bà mẹ, các lão ông trụ bám cùng chia lửa với cán bộ, du kích. Ông cũng vẽ khẩu đội ĐKZ quân giải phóng tấn công vào tỉnh đường Quảng Tín trong Mậu Thân 1968.

    Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh đã dũng cảm băng qua hệ thống đồn bốt dày đặc của giặc để xuống tận xã Bình Dương, Thăng Bình. Vùng cát thành đồng này là chiếc gai mà bọn địch quyết nhổ cho kỳ được nên thường xuyên càn quét, bom pháo, có cả bom tọa độ của B57. Ông đã kịp ghi lại những ngôi làng đổ nát vì bom đạn giặc. Tại đây ông cũng ký họa được chân dung một du kích miền biển vai đeo súng, một tay xách hai con cá biển gợi nên một khung cảnh thật thanh bình và dễ thương.

    Trong số họ có những người bộc lộ tài năng rất sớm, để lại nhiều tác phẩm rất có giá trị. Tiêu biểu là họa sĩ Hà Xuân Phong, quê ở vùng biển Đà Nẵng. Hà Xuân Phong vào chiến trường năm 1968, được phân về Tiểu ban Văn nghệ. Trong các bức ký hiệu để lại, Hà Xuân Phong toàn vẽ bằng màu nước, tác phẩm cho thấy tài năng của anh đang độ phát tiết. Ký họa ở chiến trường vốn ít có điều kiện để trau chuốt nhưng các bức màu nước của Hà Xuân Phong rất nền nã, bố cục chắc chắn, màu sắc hài hòa, tư thế, dáng điệu, nét mặt của nhân vật rất sinh động, hiện thực. Đi chiến dịch Nông Sơn – Trung Phước, anh vẽ được rất nhiều ký họa về bộ đội tăng thiết giáp rất đẹp, chắc khỏe, hùng dũng cùng nhiều chân dung pháo thủ. Anh cũng kịp ghi lại cảnh tượng nhân dân bên bờ Thu Bồn được giải phóng náo nức trở về quê cũ, những ngôi làng ở Nông Sơn được xây dựng mới, màu sắc các bức tranh thật tươi vui. Tài năng đang độ chín nhưng thật không may anh đã phải nằm lại trên bờ sông Trà Nô, Hiệp Đức trong một vụ tai nạn lật thuyền vào mùa lũ 1974, dù anh bơi rất giỏi. Tác phẩm của anh qua tay nhiều người cũng bị mất mát nhiều, nhưng những gì còn lại khiến chúng ta không thể không khâm phục và tiếc nuối.  Nếu còn sống, với những gì đã trải nghiệm, với những tài liệu ký họa ghi chép được, sau hòa bình anh có thể thai nghén, tái tạo nên những tác phẩm lớn, có giá trị lâu bền. Bao đồng đội đến giờ vẫn khôn nguôi thương tiếc anh.

    Họa sĩ Hà Xuân Phong cùng những tác phẩm của ông.

    Đi ra từ chiến tranh khói lửa, lớp họa sĩ này nhanh chóng trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu trong nghệ thuật. Những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống chiến đấu của quân và dân khu 5 cùng các tài liệu ký họa lưu giữ được, họ đã sáng tạo nên nhiều bức tranh, có giá trị nghệ thuật cao, được nhiều Viện Bảo tàng Mỹ thuật trong nước và nước ngoài mua, trưng bày. Một số người vinh dự được nhận giải thưởng nhà nước. Điều quan trọng là họ đã tái hiện được những năm tháng hào hùng của dân tộc, và để cho đời sau hiểu rằng cha ông ra trận không chỉ bằng súng đạn mà chiến đấu trên tầm cao văn hóa, lấy chính nghĩa, nhân văn để chống lại bạo tàn. Với những ý nghĩa ấy, tập sách ảnh “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến 1960 – 1975” sẽ có giá trị lâu bền và sẽ là tài liệu quý cho các thế hệ họa sĩ tương lai khi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng ở xứ Quảng.

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây