Trang chủE-Magazine - Ký ức chiến trường

    [eMagazine] – Ký ức chiến trường

    Những người lính Việt Nam tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K bây giờ về với đời thường hầu hết tuổi đã hưu, nhưng mỗi khi gặp nhau lại không khỏi bồi hồi xúc động, xen lẫn niềm tự hào khi nhớ về những năm tháng có mặt ở chiến trường nước bạn. Bởi họ là những người sẵn sàng chia nhau từng ngụm nước, làn đạn, lằn ranh sinh tử cận kề. Nơi đó, họ đã trải qua một cuộc chiến đầy khắc nghiệt khi tuổi đời còn rất trẻ…

    Mỗi năm cứ vào dịp chuẩn bị đón ngày thống nhất đất nước (30.4), những đồng đội cũ của ông Phan Đình Hương, hiện ở xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lại liệc lạc với nhau “gặp mặt” để nhắc nhớ một thời quân ngũ từng sinh tử dưới những tán rừng Thốt Nốt, dưới những bưng trũng đầy bom mìn Pol pot hơn 5 năm trời, ở vào giai đoạn đặc biệt ác liệt cuộc chiến giúp nước bạn Cămpuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Và niềm tự hào hơn khi ông Phan Đình Hương có vinh dự được cùng với các chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Ba Gia (và các đơn vị quân đội khác của Việt Nam) thần tốc hành quân trong những ngày đêm từ nơi đóng quân của đơn vị để đánh thẳng vào thủ đô Phnôm Pênh, giải phóng đất nước chùa tháp Cămpuchia vào ngày 7.1.1979, cách đây 44 năm. Phát huy bản chất bộ đội cụ Hồ, hiện dù là một cựu binh tuổi gần 70 nhưng ông Hương vẫn rất xông xáo, nhiệt tình công việc của một Chủ tịch hội chữ thập đỏ địa phương.  

    Trong những ngày tháng 3 lịch sử, có một cuộc hội ngộ do Ban liên lạc chiến sỹ Trung đoàn Ba Gia, đơn vị từng được Nhà nước 3 lần được tuyên dương anh hùng tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1963-2023). Vợ chồng ông Phan Đình Hương có dịp ra thủ đô gặp lại những người đồng đội một thời sát cánh bên nhau, đặc biệt hơn là gặp lại người thủ trưởng cũ từng với ông ở chốt tiền tiêu những tháng ngày ác liệt nhất. Người đó là Trung tướng Phạm Chân Lý, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Ông Hương kể, còn nhớ, ngày đó sau thời gian huấn luyện, đầu tháng 8/1978, đơn vị ông có lệnh đưa lực lượng về tuyến biên giới Tây Ninh (240km) ngăn chặn những hành động xâm lấn của quân đội Pol pot, bảo vệ nhân dân. Bởi khu vực biên giới Tây Ninh khá phức tạp không chỉ có đường biên dài nhất trong số các tỉnh Việt Nam tiếp giáp Cămpuchia mà ngay tỉnh Tây Ninh cũng đã tiếp giáp đến 3 tỉnh nước bạn: phía bắc giáp tỉnh Tbong Khmum, phía tây bắc giáp tỉnh Prey Veng, phía tây giáp tỉnh Svay Rieng. Những cái tên từ Chàng Riệc đến Lò Gòn, Xa Mát, Kà Tum, Phước Tân…làm ông Hương không thể quên, những đồng đội ông ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống lại Pol pot bạo tàn để bảo vệ đất nước mình và cũng là để chống lại sự diệt chủng, hồi sinh cho đất nước xứ chùa tháp Cămpuchia.

    Quân tình nguyện Việt Nam phản kích quân PolPot. Ảnh tư liệu. Nguồn TTXVN

    Khi ông Hương cùng đồng đội về chiến tuyến biên giới Tây Ninh, không lâu trước đó quân đội Pol Pot đã gây ra hàng loạt vụ tàn sát dân thường dã man. Đỉnh điểm, đêm 24 rạng sáng 25-9-1977, chúng đã dùng lực lượng lớn, đồng loạt tiến công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên; tàn sát, đốt phá, cướp bóc nhân dân địa phương hết sức dã man… Riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, chúng sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hết. Thương nhất là 11 thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học Tân Thành, đều là sinh viên mới ra trường từ Sài Gòn về dạy học cho trẻ nhỏ.

    “Đã đi là đến, đã đánh là thắng”

    _______________________________

    “Đã đi là đến, đã đánh là thắng” khẩu hiệu hành động cũng là chất thép của Trung đoàn Ba Gia đã chặn đứng ngay sự xâm lấn, bàn tay tội ác của quân đội Pol pot. Song việc đánh đuổi bọn chúng bước đầu đạt kết quả, nhưng khi tiến vào địa phận phía bạn lại gặp vô vàn khó khăn, bởi địa hình địa vật núi rừng, bưng đồng hiểm trở, ta lại không quen thuộc địa bàn như Pol Pot, khi chúng lại dùng chiến thuật du kích đánh trả.

    Cựu binh Nguyễn Phúc Tánh – Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Ba Gia tại Quảng Nam, quê xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Cựu binh Phan Văn Chín – Thường trực ban liên lạc Trung đoàn tại thành phố Tam Kỳ cho hay, gần cuối 1978 quân đội Pol pot tấn công rất quyết liệt. Họ dùng chiêu trò, trước đó thì gài mìn khắp nơi để đón lõng quân ta đánh sang nhưng sau đó bọn chúng đã ngông nghênh mở những đợt phản công đánh rất rát để chiếm lại những địa bàn bộ đội Việt Nam đã lấy. Để phá bom mìn dọn đường chúng huy động cả trâu và bò đi trước. Các chốt biên giới của quân ta bị pháo binh dồn dập tấn công, rồi lính Pol pot bò vô cướp chốt. Các vùng đất sát biên giới trở thành địa bàn giành giật đi lại nhiều lần. Nhiều chiến sỹ của ta hy sinh. Và rồi cũng từ chốt tiền tiêu mà ông Hương có kỷ niệm không thể nào quên với người thủ trưởng của mình. Đó là câu chuyện chốt tiền tiêu chỉ có 3 người: Phạm Chân Lý, Phan Đình Hương, Nguyễn Văn Lào.

    Ông Phan Đình Hương

    “Những ngày ở chốt tiền tiêu/ mùa mưa nước bạn đủ điều khó khăn/ Nhưng lòng chẳng chút băn khoăn/ Ngày thì ẩn nấp tối đêm ra ngoài/ Ba thằng một chốt lẻ loi/ Thức trợn con mắt ngồi chờ địch qua/ Hầm kèo được gọi là nhà/ C1 ở chốt hơn 3 tháng trời/ Có đêm địch bắn tơi bời/ DKZ địch bắn tơi nắp hầm/Thủ trưởng Lý lại ân cần/ Ôi giời! Thương nhẹ cái đâu không chi/ Suốt đời tôi mãi khắc ghi/ Đó là kỷ niệm của thời chiến binh”.

    Hồi nớ lính thủ trưởng thân thiết tao mày hết. Đêm đó địch bắn tơi nắp hầm, mình bị thương mấy mảnh đạn, thủ trưởng Lý lại sờ cái đầu không chi, ổng kêu “Ối Giời”, giọng Bắc của ông đó (ông Hương giải thích thêm).

    Những người lính Việt Nam tình nguyện chiến đấu ở chiến trường K bây giờ về với đời thường hầu hết tuổi đã hưu, nhưng mỗi khi gặp nhau lại không khỏi bồi hồi xúc động. Mùa khô gian nan đã đành, bước vào mùa mưa vùng biên giới rồi ở nước bạn mưa gió sầm sập trắng xóa rừng núi, tầm tã suốt ngày đêm. Đường sá lầy lội, chỗ đơn vị đóng quân bùn lầy nhão nhoét. Do sông suối chia cắt nên các đơn vị hoàn toàn độc lập, nếu có chuyện gì thì tự giải quyết, không thể trông chờ vào sự chi viện từ phía sau.

    Nhiệm vụ đưa cơm cho chốt tiền tiêu cũng rất gian nan, chỉ khoảng 300 -500 mét, từ chốt về sau, nhưng chỗ ông Hương đóng chốt chỉ lối đường duy nhất, men theo bưng lầy. Có lần đang mang cơm về chốt thì bọn Pol pot phát hiện xả súng từ bìa rừng ra bưng xối xả. Kinh nghiệm mách bảo ông Hương nằm ngửa mình trên mặt bưng lầy. Màn mưa trắng xóa cùng đồng lõa giúp ông di chuyển trong tư thế người thì dưới nước nhưng đầu và tay bê cơm phải đưa khỏi mặt sình lầy. Cứ thế, đạn cắt bụp…bay vèo vèo qua mặt, sượt cả bên hông, nhưng may thay nó tránh những chỗ hiểm để ông còn mang cơm về cho thủ trưởng Lý và mạng sống của mình.

    Quân tình nguyện Việt Nam phản kích quân PolPot. Ảnh tư liệu. Nguồn TTXVN

    Ôn lại những năm tháng chiến trường, ông Hương nói trong tự hào, mình lính tráng thôi nhưng cũng rất tự hào, bởi trưởng thành từ Trung đoàn, đã có tới mười mấy cán bộ mang hàm cấp tướng, điển hình có: Cố Thiếu tướng Trương Hồng Anh, Thượng tướng, AHLLVTND Nguyễn Chơn; Thượng tướng Lê Chiêm; Trung tướng Phạm Chân Lý…Những gian khổ, ác liệt của chiến trường như một thứ lửa trui rèn bản lĩnh, ý chí của người lính trong cuộc sống đời thường. Hơn nữa, theo ông Hương nó chất keo, kết dính câu chuyện nghĩa tình đồng đội trong sáng, không hề vướng lụy chút gì về vật chất của một thời chúng ta đã hiến dâng cả máu xương, hết mình giúp bạn khép lại trang sử đen tối nhất để hồi sinh và phát triển.

    Từ chiến trường K, từ chốt tiền tiêu, một thượng sỹ như ông Hương lại có mối thâm giao với Trung tướng Phạm Chân Lý như một cơ duyên. “Khi còn làm Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN về làm việc với Quân khu 5 ổng nhờ người tìm địa chỉ liên lạc với mình. Mới đây nhất chính ổng đã bao cả vé máy bay cho vợ chồng bay ra thủ đô dự gặp mặt nhân kỷ niệm 60 thành lập Trung đoàn Ba Gia (1963-2023). Tôi hỏi thêm về người đồng đội nữa ở chốt tiền tiêu, ông Nguyễn Văn Lào. Ông Hương cho hay, tay Lào ni là lão nông tri điền thứ thiệt ở xã Quế Thọ. Nhớ lần tìm về thăm nhà, ổng không nói không rằng xoắn quần vào chuồng bắt heo làm thịt. Thấy cảnh ni mà thương ổng chi lạ”.

    Mấy mươi năm rồi, nghĩa tình người lính cụ Hồ là vậy. Mỗi năm cứ đến những ngày này lại ngùi ngùi nhớ về đồng đội và những năm tháng trên chiến trường K ác liệt – ông Hương chia sẻ.

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây