Trang chủXã hộiXã Quế Thọ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn

    Xã Quế Thọ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn

    Sáng nay 28/5, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn. Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, lãnh đạo huyện Hiệp Đức cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương về dự lễ, dâng hương tri ân các bậc tiền nhân. 

    Quang cảnh buổi lễ sáng nay 28/5

    Theo tư liệu kê biên từ các tộc phổ trên vùng đất này còn lưu lại: vào khoảng năm 1666 thời vua Lê Huyền Tông, thực hiện chủ trương di dân của triều đình, Ngài Nguyễn Công Khanh nguyên gốc huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An cùng anh trai là Nguyễn Công Trịnh đưa người thân vào định cư tại làng Quá Giáng nay là huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Khi đã tạm an cư, Nguyễn Công Khanh cùng với con trai là Nguyễn Công Chức tiếp tục ra đi tìm vùng đất mới đến tổng Thuận An, huyện Duy Xuyên (nay thuộc huyện Quế Sơn).

    Tiếp nối cha, ông; khoảng giữa thế kỷ thứ 18, Ngài Nguyễn Công Liêu là cháu của Ngài Nguyễn Công Khanh cùng con trai là Nguyễn Công Tào tiếp tục khai khẩn đất hoang. Khi đến một vùng đất mới, khí hậu mát mẻ, hài hòa, nên quyết định dừng chân lập nghiệp và đặt tên là An Sơn, với ý niệm đây là vùng đất an lành, bình yên có thể che chở, bảo vệ bình an cho gia đình và cộng đồng dân cư sinh sống.

    Để tạo dựng cơ nghiệp lâu dài, Ngài Nguyễn Công Liêu đã chiêu mộ người dân các tộc Mai, Cao, Lê… cùng người di cư khác hợp sức khẩn canh, khai cơ, lập nghiệp, biến nơi hoang vu, hẻo lánh này thành một vùng đất trù phú, phì nhiêu; tập hợp nhân dân, tổ chức sản xuất, khai hóa, tổ chức bảo vệ đời sống tinh thần và vật chất cho người dân trong cộng đồng ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc. Nhờ có công lao to lớn, Ngài Nguyễn Công Liêu được dân làng suy tôn là Tiền hiền của làng.

    Tỏ lòng biết ơn công đức của tiên tổ, vào những năm cuối thế kỷ 19, con cháu các tộc họ trong làng An Sơn đã góp công, góp của dựng nên nhà thờ. Trong những năm chiến tranh, nhà thờ bị hư hại nặng, đến năm 2020, nhà thờ Tiền hiền được xây dựng lại khang trang hơn.

    Năm 2023, nhà thờ Tiền hiền làng An Sơn được UBND tỉnh công nhận và cấp Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích này. Đây đã trở thành nơi bà con dân làng tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh thờ cúng bậc tiền nhân phù hợp với thuần phong mỹ tục; thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

    Trung Hiếu – Quang Phi

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU