Trang chủXã hộiChủ động ứng phó bão Noru

    Chủ động ứng phó bão Noru

    Sáng nay 24.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký ban hành Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam; Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện chủ động ứng phó bão Noru.

    Bão Noru khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ trong vài ngày tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

    Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với bão Noru, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau:

    1. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thời tiết qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn; trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử http://pctt.quangnam.vn, trang Facebook Thông tin phòng chống thiên tai Quảng Nam, thông tin lượng mưa tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thông qua ứng dụng VRAIN trên điện thoại di động và địa chỉ http://vrain.vn để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến Nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh. Chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong Phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 01/9/2021.

    2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

    – Tuyên truyền, sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ Nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn kiểm tra, tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten, biển hiệu quảng cáo… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại.

    – Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. 

    Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,… cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.

    – Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xảy ra.

    – Rà soát, chủ động bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; chủ động nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa khi có mưa lớn.

    – Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản
    đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

    – Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ.

    – Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp, phương án kỹ thuật an toàn đối với công trình hồ chứa nước đang thi công; tổ chức neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy.

    – Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

    3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển:

    – Thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

    – Kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

    – Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.

    – Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản.

    4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

    5. Công an tỉnh chỉ đạo các cơ quan tại địa phương đảm bảo an toàn cháy
    nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú; chủ động hướng dẫn, điều tiết giao thông theo diễn biến thực tế của mưa, bão.

    6. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển hướng dẫn kỹ thuật neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn, hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Rà soát phương án, công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, an toàn đê điều, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công.

    7. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

    8. Sở Thông tin và truyền thông, Viễn thông Quảng Nam, Công ty Điện lực Quảng Nam chủ động phương án đảm bảo hoạt động thông tin liên lạc, điện phục vụ chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lớn.

    9. Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, hướng dẫn phương án đảm bảo an toàn đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, trụ ăng ten, biển hiệu quảng cáo, tháp vận hành, biển hiệu quảng cáo.

    10. Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu chủ doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến của bão, chủ động chằng chống cơ sở vật chất nhà xưởng, bảo đảm an toàn tính mạng công nhân và người lao động trong doanh nghiệp.

    Sở Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, nhất là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện, hầm lò, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản.

    11. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc tỉnh thông báo cho các đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, trên biển, khu vực miền núi, các hồ chứa nước, công trình bảo vệ bờ biển Hội An, biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình; trường hợp không đảm bảo an toàn phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn; tổ chức kiểm tra, thực hiện đầy đủ biện pháp, phương án kỹ thuật an toàn đối với công trình hồ chứa nước đang thi công; tổ chức neo giằng, hạ tháp, đảm bảo an toàn đối với công trình có sử dụng cần trục tháp, vận thăng, thang máy.

    12. Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường thời lượng, thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, các biện pháp phòng tránh về bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và công tác chỉ huy ứng phó của các cấp chính quyền địa phương để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

    13. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến bão, tình hình thiên tai để các cơ quan có liên quan và người dân biết, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

    14. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

    15. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.

    16. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU