Trang chủĐất và người xứ QuảngNhững người họ Trịnh ở làng Nghi An

    Những người họ Trịnh ở làng Nghi An

    Trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916, ở làng Nghi An có rất nhiều người thuộc họ Trịnh đã từng làm “chỗ dựa” cho lãnh tụ Thái Phiên.

    Nhà thờ tộc Thái tại làng Nghi An. Ảnh: LÊ THÍ
    Nhà thờ tộc Thái tại làng Nghi An. Ảnh: LÊ THÍ

    Ngôi làng 550  năm tuổi

    Làng Nghi An (nay là khu phố Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) là một trong những ngôi làng cổ và nổi tiếng xứ Quảng. Làng nằm trên đường thiên lý Bắc – Nam, phía sườn đông của dãy núi Phước Tường. Theo truyền khẩu, làng được thành lập bởi hai vị tiền hiền là Nguyễn Văn Thắng và Trương Văn Dương, vốn là những chiến binh trong đạo quân Nam chinh của Lê Thánh Tông năm 1471. Sau chiến thắng các vị được bố trí ở lại để khai thác vùng đất mới thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam.

    Sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của xã Hòa Phát (NXB Đà Nẵng, 2006) cho biết: “Theo một số tộc phả của các tộc họ, các tiên dân của Đại Việt từ đồng bằng Thanh – Nghệ đã di cư vào đây rất sớm. Một vị quan lãnh binh có công phò vua Lê Thánh Tông mở cõi phương Nam đã định cư khai khẩn đất đai lập làng Phước Tường. Các vị quan khác theo phò Lê Thánh Tông cũng theo chân vị lãnh binh đến khai canh lập ấp ở các làng Đông Phước và Nghi An. Lúc đầu làng có tên là Tân An, đến cuối đời Gia Long đầu đời Minh Mạng, Tân An được chia thành hai làng Đông Phước và Nghi An…”. Tuy nhiên, tra vào sách cổ Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1553) ta không thấy tên Tân An trong số 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong.

    Phải đến Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (viết năm 1776) ta mới tìm thấy địa danh Tân An là một trong số 24 xã của tổng Hà Khúc huyện Hòa Vang. Theo Địa bạ Gia Long (soạn trong khoảng 1812 – 1818), Tân An là một trong 26 làng của tổng Phước Tường Thượng (Nguyễn Đình Đầu, Tìm hiểu Địa bạ triều Nguyễn, Dinh Quảng Nam, NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

    Tra chiếu trong sách Đồng Khánh địa dư chí (soạn trong khoảng 1887 – 1890) và Tạp chí B.A.V.H (thời Khải Định, năm 1919), làng Nghi An không có gì thay đổi so với Địa bạ Gia Long (chỉ có tổng Phước Tường Thượng đổi thành Phước Tường).

    Suốt thời Việt Minh (1945 – 1954) và Việt Nam Cộng hòa (1954 – 1975) Nghi An phần lớn thuộc xã Hòa Phát, huyện/ quận Hòa Vang. Từ tháng 8 năm 2005, khi thành lập quận Cẩm Lệ, Nghi An là khối phố thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.

    Nghi An đã trải qua 550 năm lịch sử và là ngôi làng đánh dấu thời bình Chiêm, mở cõi hào hùng của dân tộc ta.

    Những người họ Trịnh

    Làng Nghi An đã đóng góp cho lịch sử đấu tranh cách mạng cận hiện đại một người con tuyệt vời đó là chí sĩ Thái Phiên. Nhưng để làm nên một Thái Phiên bất tử còn có sự góp phần của rất nhiều người, trong đó đặc biệt là những người họ Trịnh mà lâu nay ít được nhắc đến. Xin được giới thiệu ba khuôn mặt tiêu biểu thông qua những khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trong tác phẩm Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua các tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017).

    Người đầu tiên phải nhắc đến là ông Trịnh Thiện Giáo, nhạc phụ của Thái Phiên. Đây là một số thông tin quan trọng về nhân vật này được Nguyễn Trương Đàn cung cấp: Ông Trịnh Thiện Giáo, bố vợ Thái Phiên có tên trong gia phả là Trịnh Viết Phụng, làm nghề nông, là một nhà giàu, có nhiều ruộng rẫy. Ông học giỏi nhưng không đi thi để ra làm quan mà ở nhà vui thú điền viên. Tuy làm nghề nông, buôn bán mưu sinh nhưng ông rất thâm nho… Ông trồng thuốc lá (Cẩm Lệ) và trong nhà kiêm luôn việc thu mua, chế biến và đưa đi bán (nhất là đưa ra Huế).

    Ông Trịnh Thiện Giáo là “tai mắt trong làng” lại thường xuyên làm từ thiện nên rất có uy tín tại địa phương. Nhờ việc này ông đã được chính phủ Pháp (thông qua đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ) tặng mề đay và bằng chứng nhận. Dựa uy tín của mình với chính quyền ông Giáo đã đóng góp nhiều việc có ích cho làng và cho phong trào cách mạng của con rể như xin phép để xây dựng một ngôi trường tư cho làng, nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động trong tổ chức của con rể, đóng góp tài chính cho phong trào.

    Nhờ việc buôn bán thuốc lá Cẩm Lệ với Huế mà ông Giáo đã kết giao với Đoàn Bổng, một người làm thơ lại cho Bộ Hộ, sống tại đường Đông Ba. Ông đã dẫn dắt để Trần Cao Vân và Thái Phiên thuyết phục và kết nạp Đoàn Bổng vào tổ chức (Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Quang phục hội diễn ra tại nhà ông Đoàn Bổng trên đường Đông Ba vào tháng 9.1915). Trịnh Thiện Giáo cũng là người đứng ra cưới bà Trần Thị Băng (con gái của Học Băng ở làng Quang Châu) cho Thái Phiên sau khi con gái ông là bà Trịnh Thị Nhuận (vợ đầu của Thái Phiên) qua đời, nhằm “vận động kinh tài cho tổ chức”. Qua những thông tin trên ta có thể kết luận Trịnh Thiện Giáo là người nắm được những hoạt động và ủng hộ từ chủ trương đến kinh tài cho tổ chức của Thái Phiên. Ông chính là một “hội viên giấu mặt” của Việt Nam Quang phục hội.

    Người thứ hai là Trịnh Thị Nhuận, vợ đầu của Thái Phiên. Theo Nguyễn Trương Đàn thì bà Nhuận là con gái lớn của ông Trịnh Thiện Giáo, sinh năm 1881 và là người “Tính tình sôi nổi, lanh lợi, hoạt bát. Trong hoạt động yêu nước, chính bà Nhuận là cánh tay đắc lực cho Thái Phiên trong việc đi buôn chuyến để gây dựng kinh tài cho Duy Tân hội. Bà thường đi liên miên, buôn bán rất có duyên. Có những chuyến đi buôn phải kêu hai ba người gánh bạc về. Bạc đưa về có lần bị ướt ông nội đổ ra nong phơi trong buồng.

    Vợ chồng Thái Phiên – Trịnh Thị Nhuận sống với nhau rất đầm ấm và có một đứa con là Thái Thị Tuyết. Cuộc sống đang sum vầy êm ấm như thế, không hiểu sao bà Nhuận lại đột ngột qua đời ngày 6.4.1908, khi chỉ mới 27 tuổi, con gái mới được 4 – 5 tuổi. Thái Phiên đau buồn chôn vợ ở vườn Sửu, là khu vườn rộng do ông Trịnh Thiện Giáo cho con rể, hiện nằm ở phía tây nam sân bay Đà Nẵng” (sđd trang 30).

    Người thứ ba là Trịnh Mai, người thuộc chi ba tộc Thái. Trịnh Mai còn gọi là Thông Viên vì làm thông ngôn cho một hãng buôn tại Đà Nẵng. Trịnh Mai vừa là bà con vừa là đồng chí của Thái Phiên. Ông từng tham gia phong trào Đông Du sang du học ở Nhật Bản, sau bị trục xuất về nước. Trong cuộc khởi nghĩa năm 1916, Trịnh Mai được Thái Phiên cử sang Hương Cảng liên lạc với Phan Bội Châu để cụ nhờ Trần Hữu Lực mua vũ khí gửi về và cầu viện người Xiêm giúp đỡ!

     LÊ THÍ – QNO
    Bình chọn

    ĐỌC NHIỀU