Trang chủChính TrịQuảng Nam đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên

    Quảng Nam đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên

    Chiều ngày 21.11, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị.

    Toàn cảnh hội nghị

    Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, đây là quy hoạch mang tính chiến lược cho một giai đoạn lâu dài. Về quan điểm trong dự thảo đề xuất mô hình cấu trúc không gian phát triển là “hai vùng, ba cửa ngõ, ba cụm động lực, tám hành lang phát triển”. Về các phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian lãnh thổ, vùng liên huyện, vùng huyện; phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gắn với công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu..

    Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu tại hội nghị

    Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các địa biểu nghiên cứu kỹ để cho ý kiến góp ý thêm cho dự thảo quy hoạch lần này, đặc biệt là quy hoạch phải bám sát Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

    Dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoan 2021 – 2030 đề ra 05 quan điểm phát triển, gồm: Tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia; đổi mới tư duy phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tỉnh; tập trung đầu tư một số ngành chủ lực, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy tối đa nhân tố con người; đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tổ chức không gian phát triển các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, xây dựng đô thị loại I, phát triển hình thành chuỗi các đô thị ven biển; liên kết khai thác và phân vùng lãnh thổ, hợp tác khai thác hợp lý tiềm năng nổi trội; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh; ổn định chính trị, trật tự xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng đối ngoại và hội nhập quốc tế.

    Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoan 2021 – 2030 đề ra 05  mục tiêu, chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế; văn hóa – xã hội; môi trường; kết cấu hạ tầng và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội

    Theo đó mục tiêu tổng quát của tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trung tâm phát triển năng động, toàn diện của vùng động lực kinh tế miền Trung; hình thành trung tâm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ quốc tế; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực. Cùng với đó, quy hoạch cũng đề ra 05 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực về kinh tế; văn hóa – xã hội; môi trường; kết cấu hạ tầng và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 7.500 – 8.000 USD; Tỷ lệ người lao động qua đào tạo 75-80%;100% số xã đạt chuẩn tỷ lệ bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 96%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 61%; Sân bay Chu Lai hoạt động đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế cấp 4F; tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

    Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trình bày dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

    Để đảm bảo các ngành, lĩnh vực phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm, dẫn dắt đầu tư toàn xã hội, quy hoạch đề ra 04 khâu đột phá chiến lược, gồm: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững kinh tế biển trở thành động lực phát triển của Vùng và cả nước;  Khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Cửa khẩu Nam Giang gắn với các ngành kinh tế mũi nhọn kết nối toàn cầu; Bảo tồn các di sản văn hóa, mở rộng không gian sinh hoạt văn hóa, hình thành các công viên chủ đề, công viên cây xanh, quảng trường qui mô lớn; phát triển giáo dục, y tế hiện đại, chất lượng cao; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh.

    Các đại biểu góp ý dự thảo báo cáo Quy hoạch

    Hội nghị cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo báo cáo Quy hoạch. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, cần định hướng tầm nhìn phù hợp với Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, và cần phân tích làm rõ hơn nữa định vị Quảng Nam đang ở đâu trong vùng Duyên hải Trung Bộ; cực tăng trưởng phía tây cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế rừng một cách bền vững; đề xuất nhiều vấn đề để xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước.

    Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn trao đổi, phân tích làm rõ nhiều vấn đề trong các dự thảo báo cáo và đề xuất, hiến kế nhiều giải pháp thiết thực, mang tầm chiến lược lâu dài, có tính khả thi cao cho Quy hoạch tỉnh.

    Tỉnh ủy sẽ giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các nội dung tại Quy hoạch đảm bảo bám sát định hướng Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 138 của Chính phủ; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

    Tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu dự hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh để gửi lấy ý kiến góp ý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, hoàn thiện nội dung báo cáo và thành phần hồ sơ đúng yêu cầu tiến độ và chất lượng đề ra, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, quy định pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Trung Hiếu – Trần Chiến

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU